Ngoài tham gia củng cố vị thế của mình trên bàn đàm phán, Mỹ tiếp tục tăng cường cho vị thế độc tôn của mình trên thương trường. Sau lần đắc cử tổng thống lần 2, T.T. Donald Trump đã có những chính sách kinh tế táo bạo. Một trong số đó có chính sách áp đặt thuế lên các quốc gia khác.
Ngày 29/5/2025, căng thẳng thương mại toàn cầu bùng phát trở lại khi Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại Washington tạm thời khôi phục các mức thuế nhập khẩu lớn do Tổng thống Donald Trump áp đặt. Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tòa án Thương mại Quốc tế (USCIT) tuyên bố các sắc thuế này vi hiến và yêu cầu đình chỉ ngay lập tức.
Các mức thuế, gọi là “Liberation Day Tariffs”, áp lên hàng hóa từ các đối tác chính như Canada, Mexico, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Đặc biệt, mức thuế 25% áp cho hàng từ Canada, Mexico và Trung Quốc nhằm đối phó với dòng fentanyl vào Mỹ, một vấn nạn nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

USCIT cho rằng Tổng thống Trump đã vượt quá quyền hạn khi viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), vốn chỉ dùng trong tình huống khẩn cấp về an ninh quốc gia, để áp thuế lâu dài. Tòa án cho rằng quyền đánh thuế thuộc về Quốc hội, không phải Tổng thống.
Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm Liên bang ra lệnh hoãn thi hành phán quyết, giữ nguyên các mức thuế ít nhất đến ngày 9/6, thời hạn hai bên nộp phản hồi. Điều này cho phép chính quyền Trump duy trì các biện pháp thuế quan trong khi chờ xử lý kháng cáo.
Tổng thống Trump gọi phán quyết ban đầu của USCIT là “một quyết định khủng khiếp, đe dọa nước Mỹ” và tuyên bố sẽ đưa vụ việc lên Tối cao Pháp viện. Ông nhấn mạnh nếu phán quyết được duy trì, quyền lực Tổng thống sẽ bị suy yếu, ảnh hưởng vị thế quốc gia.
Các đối tác thương mại như Anh, Đức và EU phản ứng thận trọng, coi đây là vấn đề nội bộ Mỹ. Thủ tướng Canada Mark Carney hoan nghênh phán quyết ban đầu, xem đó là xác nhận lập trường Ottawa rằng các mức thuế này bất hợp pháp và gây tổn hại thương mại song phương.
Chuyên gia nhận định bất ổn pháp lý này sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại song phương mà chính quyền Trump theo đuổi. Ngoại trừ hiệp định mới với Anh, các thỏa thuận khác chưa thành hình, và việc duy trì thuế gây tranh cãi có thể khiến các nước cân nhắc lại tiến trình đàm phán.
Tòa Bạch Ốc đang xem xét tận dụng điều khoản pháp luật để “tạm thời” hợp pháp hóa mức thuế 15% trong 150 ngày tới, nhằm tạo lợi thế đàm phán. Reuters cho biết các mức thuế đã khiến doanh nghiệp Mỹ thiệt hại hơn 34 tỷ USD do chi phí tăng và doanh thu giảm, ảnh hưởng chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh.
Tổ chức Liberty Justice Center đại diện cho 5 doanh nghiệp nhỏ kiện các mức thuế cho biết quyết định tạm hoãn của Tòa phúc thẩm chỉ là bước thủ tục. Luật sư Jeffrey Schwab cảnh báo cuối cùng tòa có thể đứng về phía doanh nghiệp nhỏ, vốn đối mặt nguy cơ mất nhà cung cấp, khách hàng và đe dọa sự sống còn.
Một tòa án liên bang khác cũng từng phán quyết ông Trump vượt quyền khi áp thuế trả đũa ít nhất 10% với hàng hóa từ đa số đối tác và 25% với hàng từ Canada, Mexico, Trung Quốc do cáo buộc liên quan fentanyl. Chính quyền Mỹ đã kháng cáo phán quyết này.
Tình trạng bất ổn pháp lý trong chính sách thuế quan Mỹ vẫn tiếp diễn, gây tranh cãi và có thể kéo dài. Doanh nghiệp và đối tác thương mại quốc tế theo dõi sát để điều chỉnh chiến lược kinh doanh và đàm phán.