32.2 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 4 Tháng Bảy, 2025

9 NGÀY ĐÌNH CÔNG, LAN RỘNG ĐẾN CÁC NGÀNH KHÁC: CHÍNH QUYỀN ĐANG TEHRAN CHO THẤY SỰ YẾU KÉM TOÀN DIỆN

Không giải quyết được cuộc đình công nhỏ của các tài xế, chính quyền Tehran để đình công trở thành một phong trào lan rộng sang các ngành nghề khác.

Iran đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội sâu rộng khi phong trào đình công của giới tài xế xe tải đã bước sang ngày thứ 9, lan rộng ra hơn 140 thành phố và bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác.

Đợt phản kháng bắt đầu từ ngày 22/5, khởi nguồn từ sự phẫn nộ trước quyết định tăng giá nhiên liệu đột ngột của chính quyền Tehran, nhưng nay đã trở thành biểu tượng cho làn sóng bất mãn sâu sắc với chế độ thần quyền đang cầm quyền tại nước này. Ngòi nổ của làn sóng đình công là việc chính phủ Iran bất ngờ nâng giá xăng từ mức 15,14 cent lên đến 1,90 USD mỗi gallon – một mức tăng gần như gấp 12 lần khiến các tài xế xe tải choáng váng. Với thu nhập vốn đã bấp bênh vì cước vận tải thấp, chi phí bảo hiểm cao và chính sách trợ giá thất thường, cú sốc nhiên liệu này trở thành giọt nước tràn ly. Kể từ đó, hàng nghìn tài xế xe tải trên khắp Iran đã đồng loạt đình công, chặn các tuyến đường huyết mạch và các cảng biển trọng yếu, khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa bị đình trệ nghiêm trọng. Các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những đoàn xe nằm bất động, các kho hàng ùn ứ và người dân bắt đầu cảm nhận rõ tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Các cuộc biểu tình lan rộng tại Iran

Điểm đặc biệt khiến cuộc đình công này trở nên khó kiểm soát là bởi ngành vận tải đường bộ Iran chủ yếu do các tài xế tư nhân điều hành – chiếm hơn 93% tổng lưu lượng vận tải. Điều này khiến các biện pháp trấn áp hành chính từ nhà nước trở nên kém hiệu quả, bởi không có hệ thống doanh nghiệp quốc doanh đủ lớn để duy trì vận hành khi lao động đình công. Mặc dù chính quyền đã bắt đầu có động thái mạnh tay, bao gồm việc bắt giữ nhiều tài xế đình công tại các tỉnh như Isfahan, Hormozgan, Fars, Ardabil, Kermanshah và Khuzestan, phong trào phản kháng vẫn tiếp tục lan rộng.

Cuộc đình công lần này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là các tổ chức nghiệp đoàn và giới nghệ sĩ. Đạo diễn nổi tiếng Jafar Panahi, người từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế, đã công khai tuyên bố ủng hộ giới tài xế và kêu gọi người dân Iran “không im lặng trước sự áp bức và tham nhũng.” Nhiều nghiệp đoàn lao động, bao gồm cả giáo viên và công nhân ngành điện, cũng bắt đầu ra thông cáo thể hiện sự đoàn kết với phong trào đình công. Liên minh Nghiệp đoàn Xe tải Iran đã yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho những người bị bắt giữ, đồng thời cảnh báo sẽ tổng đình công toàn ngành nếu yêu sách không được chính phủ đáp ứng.

Các chuyên gia phương Tây nhận định, cuộc đình công lần này không chỉ là phản ứng tạm thời với một chính sách kinh tế cụ thể, mà là dấu hiệu cho thấy mâu thuẫn sâu sắc giữa người dân và chính quyền. Ông Janatan Sayeh – chuyên gia tại Viện Nghiên cứu FDD – nhấn mạnh: “Tình trạng đình công lao động ở Iran lâu nay luôn là thước đo bất ổn chính trị. Nhưng lần này, nó đang chuyển thành một phần của làn sóng đấu tranh rộng lớn hơn chống lại chế độ thần quyền.” Trong khi đó, bối cảnh chính trị càng thêm căng thẳng khi Iran và Hoa Kỳ vẫn đang duy trì đối thoại về thỏa thuận hạt nhân. Ông Tyler Stapleton, Giám đốc Quan hệ Quốc hội tại tổ chức FDD Action, cảnh báo Washington không nên vội vàng nhượng bộ trong các lệnh trừng phạt: “Nếu Mỹ dỡ bỏ áp lực đúng lúc Tehran đang rơi vào khủng hoảng nội bộ, đó sẽ là một sai lầm chiến lược.”

Tình hình hiện tại cho thấy chính quyền Iran đang bị đẩy vào thế bị động từ nhiều phía: đối mặt với khủng hoảng kinh tế, thất bại trong kiểm soát xã hội, và mất dần lòng tin từ người dân. Cuộc đình công của giới tài xế – từ một phản ứng cục bộ – nay đã trở thành phong trào chính trị tiềm tàng, phản ánh sự yếu kém toàn diện của chính quyền Tehran trước yêu cầu đổi thay từ xã hội.

Check out our other content

Check out other tags:

Most Popular Articles