27.2 C
Ho Chi Minh City
Chủ Nhật, 13 Tháng Bảy, 2025

Nga tụt hậu trong cuộc đua không gian, vẫn quyết phủ sóng Internet vệ tinh toàn quốc trong 2 năm

Trong hơn nửa thập kỷ qua, Nga luôn cho thấy sự tụt hậu của mình trên đường đua bay vào không gian. Liệu lần này Nga có thế bứt phá dẫn đầu đường đua này.

Trong bối cảnh số vụ phóng vệ tinh của Nga tụt dốc nghiêm trọng, xuống mức thấp kỷ lục chưa từng thấy kể từ đầu thập niên 1960, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin mới đây đã đưa ra một tuyên bố gây chú ý: trong vòng hai năm tới, toàn bộ lãnh thổ Nga – kể cả những khu vực xa xôi, hẻo lánh nhất – sẽ được phủ sóng Internet vệ tinh.

Tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ Phiên họp Chiến lược về phát triển ngành viễn thông, nơi các lãnh đạo cấp cao của Nga thảo luận về tương lai cơ sở hạ tầng số. Theo ông Mishustin, đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh Nga có diện tích lãnh thổ rộng lớn, trải dài qua nhiều vùng đất khó tiếp cận mà mạng cáp quang không thể vươn tới. “Nga là một quốc gia rộng lớn, nhiều nơi không thể triển khai cáp quang để đảm bảo dịch vụ viễn thông đồng đều. Vì thế, cần đặc biệt chú trọng vào việc mở rộng hệ thống vệ tinh quỹ đạo nhằm cung cấp Internet tốc độ cao, giá cả phải chăng cho mọi khu vực, từ vùng hẻo lánh cho đến dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch,” Thủ tướng Mishustin nhấn mạnh.

Ông cho biết chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đến năm 2026, mọi người dân trên khắp lãnh thổ Nga đều có thể truy cập được Internet vệ tinh. Một trọng tâm quan trọng của kế hoạch này là khu vực Bắc Cực – vùng lãnh thổ có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và mật độ dân cư thưa thớt, nhưng đóng vai trò chiến lược trong chính sách quốc phòng và phát triển tài nguyên của Nga.

Tuy nhiên, lời hứa đầy tham vọng này lại diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp vũ trụ Nga đang trải qua giai đoạn tụt hậu sâu sắc. Theo số liệu mới nhất, trong năm 2024, cơ quan vũ trụ quốc gia Roscosmos chỉ thực hiện được 17 vụ phóng – con số này giảm hai so với năm trước, và chưa bằng một phần tư so với năm 2022.

So sánh với các quốc gia khác cho thấy sự chênh lệch đáng kể: Mỹ đã tiến hành tới 145 vụ phóng trong năm 2024, gấp hơn tám lần Nga, trong khi Trung Quốc thực hiện 68 vụ, cũng vượt xa. Mục tiêu ban đầu của Roscosmos là đạt 40 vụ phóng trong năm, nhưng kết quả thực tế chưa đến một nửa.

Đây được đánh giá là một trong những năm hoạt động kém hiệu quả nhất của ngành vũ trụ Nga kể từ thời hậu Xô Viết, chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với giai đoạn đại dịch COVID-19 (2020–2021). Tình trạng hiện tại khiến giới quan sát không khỏi liên tưởng đến những ngày đầu của cuộc đua không gian, khi Liên Xô chỉ mới bắt đầu phóng các vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo.

Trớ trêu thay, vào năm 2000, khi Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên, Nga vẫn là một trong những cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới. Khi đó, Nga thực hiện hơn 30 vụ phóng trong một năm – vượt Mỹ, Trung Quốc và cả châu Âu. Tuy nhiên, hai thập kỷ sau, vị thế đó đang dần biến mất.

Các chuyên gia cho rằng lệnh cấm vận và cô lập công nghệ từ phương Tây sau các biến động địa chính trị là nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp vũ trụ Nga bị bóp nghẹt. Việc tiếp cận công nghệ cao, linh kiện vi điện tử và hợp tác quốc tế ngày càng trở nên khó khăn.

Không ít người kỳ vọng rằng Nga có thể tìm được lối ra thông qua hợp tác với Trung Quốc, quốc gia mà Moscow gọi là “đối tác chiến lược”. Tuy nhiên, theo chuyên gia hàng không vũ trụ Ivan Timofeev, điều này khó xảy ra.“Trung Quốc không có nhu cầu hợp tác với Nga trong lĩnh vực không gian. Họ thích tự làm hơn. Và nói thẳng ra, hiện nay Nga cũng không có gì đủ hấp dẫn để mời chào đối tác,” ông Timofeev nhận xét.

Tham vọng đưa Internet vệ tinh đến mọi ngóc ngách nước Nga có thể giúp Moscow ghi điểm về mặt chính trị và nâng cao năng lực số trong nước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Nga phải vượt qua nhiều rào cản – từ năng lực sản xuất vệ tinh, hạ tầng phóng tên lửa, đến khả năng huy động tài chính và nguồn lực trong bối cảnh áp lực của lệnh cấm vận và cô lập công nghệ từ phương Tây.

Check out our other content

Check out other tags:

Most Popular Articles