Là một trong những đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân Mỹ, đội đặc nhiệm SEAL có nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động quân sự phức tạp và đòi hỏi khắt khe nhất trên thế giới. Điểm đặc biệt của SEAL là nếu lực lượng này muốn đi đến bất kể địa hình hay môi trường nào thì họ sẽ làm được.
Các đội đặc nhiệm SEAL có nguồn ngân sách dồi dào và có quyền sử dụng một số thiết bị và phương tiện hết sức tiên tiến. Yêu cầu nhiệm vụ của họ là tiếp cận một số khu vực khắc nghiệt nhất sao cho thật nhanh chóng và mang tính bất ngờ. Để đạt được mục tiêu trên, SEAL đã phát triển một số phương tiện được tùy biến để tham chiến, bất kể cuộc chiến diễn ra ở đâu.
Xe Tuần tra Sa mạc (DPV)
Hai cuộc chiến lớn gần đây của Mỹ như cuộc chiến Vùng Vịnh và cuộc chiến Iraq đều diễn ra ở vùng có khí hậu khô cằn, vì vậy lực lượng SEAL cần một chiếc xe để băng qua sa mạc sao cho nhanh chóng và hiệu quả.
Từ cuộc chiến Vùng Vịnh, xe buggy đi trên cồn cát DPV đã là một phần trong đội xe của SEAL. Phiên bản hiện tại được trang bị động cơ Volkswagen 2 lít, làm mát bằng không khí với công suất 150 kW. Nó có thiết kế lộ thiên và bộ khung hình ống, đồng thời có thể nhanh chóng vượt qua địa hình gồ ghề ở tốc độ tối đa 129 km/giờ. Với trọng lượng 957 kg, xe DPV có thể chở thêm tải trọng tải tác chiến nặng 698,5 kg. DPV cũng khá dễ sửa đổi để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, vũ khí bao gồm súng máy hạng nặng .50; súng máy hạng nhẹ cỡ nòng 7,62 mm hoặc 5,56 mm; súng phóng lựu tự động hoặc kết hợp cả ba.
Xe có thể chở 3 lính SEAL cùng lúc: một tài xế, một hành khách và người thứ ba ở phía sau để vận hành súng chính. Với một bình xăng duy nhất, DPV có thể đi được quãng đường 338 km, nhưng nếu có thêm thùng nhiên liệu gắn ngoài thì phạm vi sẽ lên tới 1.609 km.
Xe mô-tô Christini AWD 450
Bên cạnh xe buggy DPV, xe mô-tô địa hình (ATV) cũng là cách tuyệt vời để đi đến những nơi thiếu đường sá và địa hình khó khăn. Nhà thầu Steve Christini đã chế tạo những chiếc ATV chuyên dụng trong hơn 20 năm. Ngoài xe bốn bánh, Christini còn phát triển hệ thống dẫn động cho bánh trước đối với xe mô-tô dân sự và xe địa hình quân sự. Hệ dẫn động bổ sung này giúp xe vượt qua nhiều địa hình khắc nghiệt.
Xe Christini AWD 450 bản quân sự có giá khởi điểm 17.500 USD.
SEAL đã triển khai xe mô tô địa hình Christini AWD 450 ở Afghanistan vào năm 2012 và phiên bản dân sự hiện nay của xe này là Christini 450 E. Cả hai phiên bản đều đi kèm động cơ 450 cm³, được làm mát bằng chất lỏng với hệ thống ống xả bằng nhôm. Xe có thể bổ sung nhiều bộ phận tùy chỉnh tùy theo nhu cầu của đơn vị.
Xe Đa dụng Cơ động cao GMV-N
Humvee, chiếc xe bốn bánh đa dụng cổ điển là biểu trưng cho sự hiện diện của quân đội Mỹ từ giữa thập niên 1980 cho đến các cuộc chiến gần đây ở Afghanistan và Iraq. Được phát triển bởi General Motors, chiếc Humvee cổ điển được trang bị động cơ V8 6,2 lít hoặc tuabin-diesel 6,5 lít và có tốc độ tối đa 113 km/giờ. Dù nặng tới 2.358 kg, những chiếc Humvee với lớp vỏ mỏng vẫn chịu thiệt hại trước vũ khí xuyên giáp, vì vậy nhiều đội tác chiến của quân đội Mỹ cần có những chiếc Humvee tùy chỉnh như GMV-M (Thủy quân Lục chiến), GMV-N (SEAL) và GMV-R (Lục quân).
Xe GMV-N có thể chở tối đa 5 lính SEAL và họ phải trải qua khóa huấn luyện 4 tuần về bảo trì và triển khai loại xe này. GMV-N có lớp giáp lắp ghép dạng mô-đun và có thể được trang bị nhiều loại súng máy và súng phóng lựu. Quân đội Mỹ đang loại dần xe Humvee để sử dụng các xe bọc thép chống chọi tốt hơn với chất nổ ven đường.
Trực thăng tàng hình MH-X
Vào năm 2011, trong cuộc đột kích khu nhà của Osama Bin Laden ở Pakistan, các binh sĩ SEAL đã hoàn thành nhiệm vụ mà không có thương vong nào. Nhưng họ đã bỏ lại bên ngoài khu nhà một thứ đặc biệt: cánh quạt đuôi của một chiếc trực thăng và phần đuôi này có một loại vật liệu bất thường bao phủ.
Một trong những chiếc trực thăng chở lực lượng SEAL đi làm nhiệm vụ đã bị rơi khi xâm nhập và đuôi của nó vướng vào một bức tường. Thế nên họ đã phá hủy nó để tránh bị thu giữ trước khi rời đi trên một chiếc trực thăng khác. Chiếc trực thăng này chính là UH-60 Blackhawk được sửa đổi cao độ, trong đó bao gồm một lớp phủ phân tán sóng radar trên cụm cánh quạt.
Thuyền tấn công của SEAL (STAB)
Sau Thế chiến II, các vùng có cây cối rậm rạp và kênh mương đã trở thành một thách thức mới đối với Hải quân Mỹ. Vì vậy SEAL đã tạo ra thuyền tấn công STAB – loại thuyền chỉ cần một phân đội nhỏ và có động cơ khá mạnh mẽ.
Grafton Boatworks được Hải quân Mỹ giao nhiệm vụ phát triển STAB dựa trên Tàu Hỗ trợ SEAL Hạng nhẹ (LSSC). Grafton đã kéo dài chiếc LSSC thêm 0,6 mét lên 7,9 mét và lắp đặt một cặp động cơ Chevrolet V8 7 lít. Thuyền nặng 7 tấn và có thể đi với vận tốc tới 74 km/giờ. Nó không cần vỏ bọc quá chắc chắn mà chú trọng vào tốc độ và tính bất ngờ. SEAL sử dụng STAB để xâm nhập, tuần tra và phong tỏa lưu thông đường thủy.
Tàu lặn vận chuyển SEAL (SDV)
Thuyền trên mặt nước không phải là cách duy nhất SEAL sử dụng để xâm nhập. Tuy là những thợ lặn lão luyện nhưng việc bơi đến mục tiêu cũng mất rất nhiều sức lực. Vì vậy SDV là một tàu lặn mini được thiết kế để vận chuyển lực lượng SEAL dưới nước mà không cần phải tự thân bơi lặn. Do đây là tàu lặn không điều áp nên thủy thủ đoàn gồm 6 người phải tiếp xúc với nước biển, thở từ nguồn cấp dưỡng khí trên tàu và bị hạn chế liên lạc. Nhiệm vụ của SDV thường kéo dài vài giờ.
Mẫu SDV hiện tại, Mark VIII, sẽ bị loại bỏ để thay bằng chiếc Mark 11 mới hơn. Mark 11 sẽ có tầm hoạt động được cải thiện, thiết bị liên lạc tốt hơn và khả năng chở 2 người lái tàu cùng một đội gồm 4 người nhái tác chiến ở độ sâu tối đa 50 mét. SEAL thường triển khai SDV đến các khu vực bị cấm tiếp cận.
Tàu tác chiến đặc biệt Mark V (SOC)
Công nghệ tàu bè của SEAL đã tiến bộ rất nhiều kể từ thời chiếc thuyền STAB. Tàu Tác chiến Đặc biệt Mark V cũng là một phương tiện quan trọng trong các chiến dịch của SEAL, được giao cho các đội Chiến binh Đặc nhiệm (SWICC). Họ vận hành các tàu này cho một loạt nhiệm vụ từ thâm nhập, trinh sát và tuần tra ven biển.
Với chiều dài 25 mét, tàu Mark V có thể chứa tối đa 5 binh sĩ SWICC, 16 lính đặc nhiệm SEAL cùng với tải trọng tác chiến. Không giống như những chiếc xuồng cao su thông thường, Mark V có khả năng tuần tra hơn 1.000 km. Nó được trang bị một cặp động cơ hàng hải MTU 12V-396-TE94 V12 với công suất 1.640 kW/động cơ, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 120 km/giờ. Tàu có thể được triển khai ở bất kỳ đâu trên thế giới khi được thông báo trước 48 giờ.