Thế giới tàu ngầm không người lái (UUV hay AUV) đang thay đổi vô cùng nhanh chóng. Trong nhiều năm qua, ngày càng nhiều lực lượng hải quân của các nước trên thế giới đang nghiêm túc phát triển những tàu ngầm tự hành cỡ lớn (XLUUV). Từ chiếc Orca của Hoa Kỳ cho đến ASWUUV của Hàn Quốc, chúng ta chứng kiến dưới đáy sâu của các đại dương rộng lớn trên thế giới, một kỷ nguyên mới của công nghệ hải quân đang lặng lẽ mở ra.
Hoa Kỳ: Snakehead LDUUV và Orca XLUUV
Tàu ngầm Snakehead LDUUV (phương tiện lặn phân khối lớn) dự kiến sẽ được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ. Đã có lúc Snakehead suýt bị hủy bỏ, nhưng cuối cùng nó đã được tái xác nhận vào tháng 3/2024. Tàu có kích thước tương đương với một phương tiện vận chuyển SEAL (SDV) và có thể được vận chuyển bởi các tàu ngầm được trang bị mô-đun ra vào dành cho thợ lặn (dry deck shelter, DDS).
Snakehead LDUUV.
Còn Orca của Boeing là một trong những thiết kế XLUUV đầu tiên và lớn nhất, nó sẽ giúp Hải quân Mỹ luôn dẫn đầu về công nghệ hải quân. Để tăng thời gian vận hành, nó sử dụng hệ thống động cơ điện kết hợp diesel, đem lại cho tàu phạm vi hoạt động hơn 11.110 km (6.000 hải lý).
Orca XLUUV.
Trung Quốc: HSU-001
Trung Quốc đã ra mắt HSU-001 tại Bắc Kinh hồi tháng 10/2019. Thiết kế này có thể dành cho hoạt động Tình báo, Giám sát và Trinh sát (ISR). Tàu có chân vịt kép cho thấy nó được tối ưu hóa để di chuyển ở tốc độ chậm. Nó có cả động cơ đẩy dọc và ngang ở cả phía trước lẫn phía sau. Hai cột trên đỉnh thân tàu dùng để triển khai và thu hồi, cho thấy nó được hạ thủy từ các tàu nổi trên mặt nước.
HSU-001 dường như có các giá treo vũ khí ở hai bên thân tàu.
Ấn Độ: HEAUV
Tàu lặn tự động có thời gian vận hành dài (HEAUV) đang được Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển. Quá trình phát triển đang được thực hiện tại Nhà máy đóng tàu Cochin ở Kochi, bang Kerala. HEAUV trông như một quả ngư lôi với bánh lái hình chữ X.
Tàu ngầm HEAUV có các mảng định vị dưới nước (sonar) lớn ở mặt bên.
Nga: Klavesin-2P-PM
Tàu Klavesin-2P-PM là thành viên thuộc dòng UUV cỡ trung Harpsichord. Nó có thể được vận chuyển bằng tàu biển và đã trở thành tính năng tiêu chuẩn cho tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Nga. Nó cung cấp khả năng Giám sát, Trinh sát và Tình báo (ISR) được cải tiến.
Klavesin-2P-PM.
Anh: Manta và CETUS
Hải quân Hoàng gia Anh gần đây đã công bố hợp đồng cung cấp tàu ngầm Manta XLUUV. Công ty MSubs của Anh, từng chế tạo một số tàu lặn cỡ nhỏ có thủy thủ đoàn, đã giành được hợp đồng với đề xuất là chuyển đổi tàu lặn có thủy thủ đoàn S201 hiện có thành tàu Manta.
Manta XLUUV.
Sau dự án Manta, Hải quân Anh đã đặt hàng sản xuất chiếc CETUS cũng của MSubs. Tàu này sẽ có không gian chứa tải trọng lớn để chở theo vũ khí, hoặc các AUV, ROV (tàu ngầm điều khiển từ xa) cỡ nhỏ. Giống như một số thiết kế hàng đầu khác, CETUS có kích thước phù hợp với một thùng container vận tải tiêu chuẩn, giúp tăng đáng kể khả năng vận chuyển.
CETUS và một tàu ngầm cỡ nhỏ.
Nhật Bản: LEUUV
Cơ quan thu mua, công nghệ và hậu cần Nhật Bản (ATLA) đang phát triển một tàu ngầm tự động có thời gian vận hành dài (LEUUV). Chiếc tàu nguyên mẫu đã được hạ thủy từ năm 2023. Cấu hình cơ bản dài 10 mét và đường kính 1,8 mét và chiều dài có thể được mở rộng lên 15,6 mét bằng cách gắn thêm mô-đun tải trọng.
Úc: Ghost Shark XL-AUV và Speartooth LUUV
Tàu ngầm siêu lớn Ghost Shark XLAUV đang được Anduril Australia và Chính phủ Úc phối hợp phát triển như một phần của chương trình Tăng tốc Năng lực Chiến lược Nâng cao (ASCA). Đơn đặt hàng ba nguyên mẫu đã được công bố vào tháng 5/2022 và chiếc đầu tiên được hạ thủy tháng 4/2024.
Mặt cắt tàu hình vuông giúp tối đa hóa thể tích bên trong trong khi vẫn giữ kích thước bên ngoài ở mức giới hạn của một container vận tải tiêu chuẩn. Quá trình sản xuất có thể liên quan đến công nghệ in 3D – kỹ thuật mà Anduril từng áp dụng cho tàu ngầm Dive-LD trước đây.
Ghost Shark.
Úc còn có tàu ngầm cỡ lớn (LUUV) Speartooth do C2 Robotics sản xuất, được thiết kế cho các nhiệm vụ có phạm vi xa và trong thời gian dài. Nó được thiết kế như một nền tảng có chi phí tương đối thấp, dễ sản xuất. Speartooth có dạng mô-đun và có thể tái cấu hình nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới.
Tàu Speartooth.
Canada: Solus-XR
Solus-XR là tàu ngầm siêu lớn (XLUUV) chạy bằng pin nhiên liệu. Nó được thiết kế cho các nhiệm vụ mà chỉ cần giám sát ngắt quãng, từ cảng này đến cảng khác trên phạm vi dài. Khả năng hoạt động mà không cần nổi lên mặt nước (AIP) cho phép nó thực hiện các nhiệm vụ ở phạm vi mở rộng lên tới 5.000 km và thời gian hoạt động 45 ngày. Solus có thể mang theo tải trọng trong hai mô-đun lớn tháo rời được, chúng có thể bao gồm mảng sonar, nhiều loại vũ khí, các AUV nhỏ hơn, neo hút đáy biển. Các tải trọng cũng có thể được lắp thêm pin lithium để tăng thời gian di chuyển.
Solus-XR.
Pháp: UCUV
Tàu ngầm tác chiến (UCUV) của công ty Naval Group bắt đầu với phương tiện đầu tiên là OUDD được ra mắt tháng 10/2021. Tháng 12/2023, chính phủ Pháp đã đặt hàng một nguyên mẫu trình diễn, nhưng nó đã bị hư hại do hỏa hoạn khi thử nghiệm. Sau đó một con tàu cải tiến được cho hạ thủy lại. Thân tàu mang tính thủy động lực học với mảng sonar bên sườn khá lớn và một khoang chứa trọng tải tích hợp dưới bụng. Tàu dài khoảng 10 mét nhưng có kế hoạch tăng lên khoảng 20 mét nếu cần.
Na Uy: Hugin Endurance
Hugin Endurane là chiếc tàu lớn nhất trong dòng tàu ngầm không người lái Hugin của tập đoàn Kongsberg. Nó có phạm vi đạt 2.200 km và thời gian hoạt động 15 ngày.
Israel: Blue Whale
IAI đã phát triển tàu ngầm ELI-3325 ‘Cá voi xanh’ để thu thập thông tin tình báo (ISR), tác chiến chống ngầm (ASW), thực hiện các biện pháp đối phó với mìn (MCM). Tính năng chính của nó là cột cảm biến/quang điện, cho phép phát hiện và theo dõi các mục tiêu cả trên và dưới mặt nước, đồng thời thực hiện xử lý dữ liệu cảm biến. Nó có thể truyền về thông tin tình báo bằng cách sử dụng kênh vệ tinh băng thông rộng có tích hợp biện pháp bảo mật.
Ukraine: Marichka
Marichka là tàu ngầm cỡ lớn do AMMO Ukraine phát triển. Trong số nhiều dự án AUV lớn trên khắp thế giới, đây có lẽ là dự án đầu tiên ra đời từ nhu cầu chiến sự có thực. Pin và chất nổ được chứa trong thân tàu. Marichka được thiết kế để chống hạm, thu thập thông tin tình báo. Phạm vi của tàu đạt 1.000km và giá thành một chiếc khoảng 433 ngàn USD.
Iran: Nazir-5
Nazir-5 là tàu ngầm chạy bằng năng lượng pin. Kích thước quá lớn như vậy có thể là do nó sử dụng pin axit chì truyền thống. Dù vậy tàu vẫn có phạm vi hoạt động ít nhất 500 km. Chưa rõ vai trò của Nazir-5 nhưng nó có thể trang bị vũ khí như tàu ngầm tự động cỡ nhỏ tấn công một chiều dưới nước.
Triều Tiên: Haeil
Haeil là mẫu tàu ngầm khá lớn xuất hiện vào tháng 7/2023. Tàu trông giống quả ngư lôi và có thể trang bị vũ khí để tấn công các mục tiêu cố định. Tàu dường như có một dãy cửa hút ở phía sau, cho thấy động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu carbon (Diesel) và phù hợp với phạm vi hoạt động 1.000 km. Nếu vậy thì tàu sẽ phải lặn khá gần mặt nước, làm giảm khả năng tàng hình.
Haeil có chiều dài 16 mét, đường kính từ 1,5-1,6 mét và tốc độ đạt 8.5 km/giờ ở độ sâu 80-100 mét.
Hàn Quốc: ASWUUV
Tàu lặn chống ngầm ASWUUV là phương tiện cỡ trung được phát triển bởi Hanwha Systems. Nó có tốc độ hành trình cao và thời gian vận hành cực dài. Một nguyên mẫu đã được thử nghiệm từ năm 2022 và các công ty đóng tàu Hàn Quốc hiện đang thực hiện vài dự án UUV lớn hơn.