Một trong những chỉ dấu rõ nét nhất cho thấy nền kinh tế Nga đang rơi vào giai đoạn suy thoái sâu rộng chính là tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng của ngành vận tải đường sắt – trụ cột chủ lực của hoạt động thương mại nội địa và xuất khẩu. Những đoàn tàu hàng hóa trống rỗng kéo dài trên các tuyến vận chuyển chủ lực không chỉ cho thấy sự suy yếu về mặt hậu cần, mà còn phản ánh bức tranh toàn cảnh đầy u ám của một nền kinh tế đang vận hành trong trạng thái thời chiến.
Theo hãng tin Reuters, các tập đoàn lớn như Rusal (sản xuất nhôm), Gazpromneft (dầu khí) và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực luyện kim, phân bón, lâm nghiệp đều đang phải cắt giảm mạnh khối lượng hàng vận chuyển bằng đường sắt – phương tiện vận tải chủ lực tại quốc gia rộng lớn nhất thế giới. Nguyên nhân chính được cho là do nhu cầu tiêu dùng nội địa sụt giảm kết hợp với các rào cản thương mại và trừng phạt từ quốc tế.
Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Nga (RZhD), đơn vị vận hành toàn bộ hệ thống đường sắt và có nguồn thu chủ yếu từ vận chuyển hàng hóa, hiện đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử hoạt động. Trong năm 2024, khối lượng hàng hóa được vận chuyển qua hệ thống đường sắt đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Tình hình trong năm 2025 tiếp tục xấu đi khi chỉ trong 4 tháng đầu năm, sản lượng vận tải giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 4, mức sụt giảm lên tới 8,6%.

Tác động tiêu cực này buộc RZhD phải điều chỉnh mạnh kế hoạch đầu tư. Dự kiến, ngân sách đầu tư trong năm 2025 sẽ bị cắt giảm tới 40% so với năm 2024. Trước đó, Nga đặt mục tiêu vận chuyển 1,24 tỷ tấn hàng hóa trong năm, nhưng hiện nay con số dự báo đã bị hạ xuống gần 3%, tương đương mức sụt giảm 36,7 triệu tấn.
Sự suy yếu này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực luyện kim và dầu khí. Các ngành sản xuất khác như phân bón, gỗ, dầu tinh chế và kim loại màu cũng ghi nhận mức sụt giảm đáng kể trong hoạt động xuất khẩu. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu hiện nay của Moscow – đã giảm tới 7,5% kể từ đầu năm 2025.
Giới chuyên gia cho rằng, tình trạng này là hệ quả kết hợp của nhiều yếu tố: giá lãi suất trong nước ở mức cao, các biện pháp trừng phạt quốc tế ngày càng khắt khe, và việc mất quyền tiếp cận thị trường phương Tây – đặc biệt nghiêm trọng đối với ngành thép đen, vốn chiếm tới 5% GDP quốc gia.
Ngoài ra, các yếu tố an ninh cũng đang gây thêm áp lực lớn. Trong một tài liệu nội bộ, RZhD đề cập đến “sự can thiệp của bên thứ ba” ảnh hưởng đến các nhà máy lọc dầu – hàm ý nhắm đến các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào hạ tầng công nghiệp trọng yếu trong lãnh thổ Nga.
Song hành với đó, ngành vận tải biển của Nga cũng đang chịu tác động nặng nề. Sovcomflot – công ty vận tải biển nhà nước – đã ghi nhận mức thua lỗ đáng kể trong bối cảnh nhiều tàu bị từ chối bảo hiểm và tiếp cận các cảng quốc tế.
Hệ thống vận tải – vốn được xem là “hàn thử biểu” của sức khỏe nền kinh tế – đang phát tín hiệu báo động đỏ. Những diễn biến này cho thấy nền kinh tế Nga, dù đã chuyển sang mô hình “thời chiến” với sự hỗ trợ của quốc hữu hóa và can thiệp chính sách, vẫn không tránh khỏi những giới hạn và lệnh cấm từ Hoa Kỳ. Nga sẽ phải trượt dài thêm nữa trong cơn khủng hoảng đa tầng này.