Trong lúc thế giới đang đổ dồn ánh mắt về chiến sự ở Ukraine, Nga âm thầm tăng tốc đại tu và hiện đại hóa phi đội máy bay ném bom chiến lược – thứ vũ khí có thể mang theo hoả tiễn hành trình tầm xa và vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý, một phần trong dự án này đang diễn ra chỉ cách biên giới Ukraine vỏn vẹn 150 km – biến khu vực này thành “thùng thuốc súng” mới có thể phát nổ bất cứ lúc nào!
Trước đó, dựa trên tài liệu rò rỉ từ nội bộ quân đội Nga, chuyên gia Dallas đã tiết lộ chi tiết kế hoạch sửa chữa và nâng cấp ba dòng máy bay ném bom tầm xa gồm Tu-95MS, Tu-160 và Tu-22M3, kèm theo chi phí và số lượng cụ thể.
Một điểm đáng lưu ý là trong số các máy bay Tu-95MS được lên kế hoạch đại tu, có ba chiếc sẽ được sửa chữa tại nhà máy TANTK Beriev ở Taganrog – chỉ cách biên giới Ukraine 150 km. Điều này đặt ra khả năng lực lượng Ukraine có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu giá trị cao ngay trong lãnh thổ Nga, tương tự như những đòn tấn công trước đó nhằm vào căn cứ không quân tầm xa Engels.
Quay lại với các chi tiết kỹ thuật, tài liệu cho thấy Nga muốn đại tu tổng cộng sáu máy bay Tu-95MS, được chia đều cho hai cơ sở là Nhà máy sửa chữa hàng không số 360 và TANTK Beriev. Mặc dù cùng xử lý ba máy bay mỗi bên, mức giá đưa ra chênh lệch rõ rệt: 360 ARP yêu cầu 11,33 tỷ rúp, trong khi Beriev đưa ra mức giá gần 16 tỷ rúp.

Nguyên nhân có thể đến từ sự khác biệt về độ phức tạp kỹ thuật: Beriev không chỉ sửa chữa mà còn có năng lực hiện đại hóa Tu-95MS lên phiên bản Tu-95MSM tiên tiến hơn – có thể mang theo hoả tiễn hành trình Kh-101/Kh-102 gắn ngoài cánh, thay vì chỉ mang 6 hoả tiễn Kh-55SM/Kh-555 trong khoang như phiên bản MS-6 lỗi thời.
Dữ liệu từ IISS cho thấy vào năm 2024, khoảng 50% trong số 58 chiếc Tu-95MS của Nga vẫn còn ở phiên bản MS-6 lạc hậu – minh chứng rằng dự án nâng cấp này không chỉ là bảo trì đơn thuần mà còn mang mục tiêu tăng cường sức mạnh răn đe chiến lược.
Giá trị chiến lược của phi đội này càng thể hiện rõ khi so sánh chi phí. Với tổng ngân sách sửa chữa sáu chiếc Tu-95MS lên đến gần 30 tỷ rúp, con số này tương đương chi phí chế tạo một chiếc máy bay ném bom mới Tu-160M, hoặc… 10 tàu hộ vệ Karakurt mang hoả tiễn hành trình Kalibr. Rõ ràng, Moskva vẫn coi các máy bay ném bom là trụ cột trong chiến lược răn đe tầm xa.

Ngoài ra, dòng Tu-22M3M – phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3. Điểm nổi bật nhất là khả năng tiếp nhiên liệu trên không, mở rộng phạm vi hoạt động. Một số thông tin cho rằng Tu-22M3M cũng sẽ được trang bị các loại hoả tiễn mới như Kh-32 hoặc Kh-50 đang trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, theo tài liệu rò rỉ, hiện Nga chỉ mới chế tạo được… hai chiếc Tu-22M3M – một vào năm 2018 và một vào năm 2023. Điều này trái ngược với tuyên bố trước đó của lãnh đạo Nhà máy Hàng không Kazan về kế hoạch sản xuất tới 30 chiếc. Có thể lý giải bằng việc Nga đang thiếu hụt kho dự trữ hoả tiễn Kh-22/Kh-32 hoặc buộc phải chia nhỏ lộ trình sản xuất vì hạn chế ngân sách và năng lực kỹ thuật.
Trong bối cảnh bị cô lập về kinh tế và vật tư quốc phòng, Nga vẫn cố gắng duy trì sức mạnh không quân chiến lược bằng cách “tân trang” dàn máy bay cổ lỗ. Tuy nhiên, việc thực hiện ngay sát biên giới Ukraine khiến mọi sai lầm trong tính toán có thể dẫn đến hậu quả khôn lường – nhất là khi Kyiv đang ngày càng chứng tỏ khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương. Vòm trời phía Đông Âu vẫn đang giăng đầy bão lửa – và trò chơi ném bom chưa có dấu hiệu dừng lại.