Ở một diễn biến liên quan, một số thông tin tình báo tiết lộ rằng đêm sắp tới có thể trở thành khoảnh khắc định mệnh cho châu Âu khi Nga tuyên bố sẽ thực hiện vụ phóng “học chiến” hoả tiễn đạn đạo xuyên lục địa “Oreshnik” – một đòn răn đe hạt nhân mang màu sắc chiến tranh lạnh, nhắm trực tiếp vào Ukraine và gián tiếp uy hiếp cả NATO. Tình báo quân sự Ukraine gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp khi cho biết: lệnh phóng đã được ban hành, và mục tiêu tấn công vẫn còn là ẩn số.

Trong một tuyên bố phát đi vào ngày 18 tháng 5, Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (HUR) cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị tiến hành một vụ phóng hoả tiễn đạn đạo xuyên lục địa vào đêm 19 tháng 5. Hoả tiễn được sử dụng là loại “Oreshnik”, một dòng hoả tiễn mới mà Moscow từng dùng để tấn công thành phố Dnipro của Ukraine hồi tháng 11 năm ngoái. Dù được tuyên bố là “học chiến”, nhưng theo giới chức Ukraine, đây thực chất là hành động răn đe và đe dọa công khai.
Theo HUR, phía Nga sẽ sử dụng tổ hợp hoả tiễn đạn đạo liên lục địa RS-22 thuộc hệ thống “Yars”, nhưng dưới vỏ bọc tên gọi “Oreshnik”. Với tầm bắn vượt quá 10.000 km và thiết kế ba tầng, dùng nhiên liệu rắn, loại hoả tiễn này có khả năng bao phủ toàn bộ lãnh thổ Ukraine, thậm chí gây sức ép tới các nước thành viên Liên minh châu Âu và khối NATO.
Thông tin tình báo còn tiết lộ rằng đòn phóng sẽ được thực hiện bởi lực lượng của Trung đoàn 433 thuộc Sư đoàn 42, thuộc Quân đoàn số 31 của Lực lượng hoả tiễn Chiến lược Nga. Tổ hợp hoả tiễn được đặt tại khu vực Sverdlovsk, thuộc lãnh thổ Nga.

Dù phía Nga chưa công bố rõ ràng mục tiêu cụ thể, nhưng HUR nhấn mạnh đây là “chiến thuật hù dọa điển hình” nhằm gây áp lực tinh thần lên Ukraine cũng như các đối tác phương Tây. Trước đó, vụ phóng thử hoả tiễn “Oreshnik” đầu tiên vào tháng 11/2024 nhắm vào nhà máy quốc phòng Yuzhmash ở thành phố Dnipro. Dù tạo ra cảnh tượng cực kỳ ấn tượng với tốc độ lên đến Mach 11, cùng 6 đầu đạn mang theo 6 đơn vị con, nhưng hiệu quả tấn công thực tế lại rất hạn chế do hoả tiễn vốn được thiết kế cho chiến tranh hạt nhân, không phải các mục tiêu tấn công chính xác.
Hiện chưa rõ Nga sẽ tiếp tục đưa loại vũ khí này vào loạt chiến dịch quân sự thường xuyên hay không. Tuy nhiên, điều chắc chắn là hành động phóng hoả tiễn trong đêm – cho dù với danh nghĩa huấn luyện – đang dấy lên nỗi lo ngại thực sự trong khu vực và khiến căng thẳng leo thang nghiêm trọng trong bối cảnh Ukraine sắp tiếp nhận các tiêm kích F-16 từ phương Tây.