Trong vòng đàm phán thứ năm tại Rome, Mỹ và Iran đã đạt được một số tiến bộ hạn chế trong nỗ lực giải quyết tranh chấp kéo dài hàng thập niên về chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, với những bất đồng căn bản vẫn tồn tại và sự hiện diện của Israel trong bóng tối, con đường đến thỏa thuận cuối cùng vẫn còn nhiều chông gai.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi và Đặc phái viên Trung Đông của Trump Steve Witkoff đã kết thúc vòng đàm phán thứ năm với sự trung gian của Oman. Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi thông báo trên mạng xã hội X rằng các cuộc đàm phán “đã kết thúc với một số tiến bộ nhưng chưa mang tính quyết định.”

Araghchi đánh giá đây là “một trong những vòng đàm phán chuyên nghiệp nhất” và cho rằng có tiềm năng đạt tiến bộ sau khi Oman đưa ra nhiều đề xuất. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận các cuộc đàm phán “phức tạp và cần thêm nhiều thảo luận.” Các bên đã đồng ý gặp lại nhau, mặc dù thời gian và địa điểm vẫn chưa được xác định.
Tổng thống Trump muốn hạn chế khả năng Iran sản xuất vũ khí hạt nhân – điều có thể gây ra cuộc đua vũ trang hạt nhân khu vực và đe dọa Israel. Trong khi đó, Cộng hòa Hồi giáo Iran mong muốn loại bỏ các lệnh trừng phạt tàn phá nền kinh tế dựa trên dầu mỏ của mình.
Trước cuộc đàm phán, Araghchi đã tuyên bố rõ ràng lập trường của Tehran trên X: “Không vũ khí hạt nhân = chúng ta CÓ thỏa thuận. Không làm giàu uranium = chúng ta KHÔNG có thỏa thuận. Đã đến lúc quyết định.”
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei – người có quyền quyết định cuối cùng – đã bác bỏ yêu cầu ngừng tinh chế uranium, gọi nó là “quá đáng và phản cảm,” cảnh báo rằng những cuộc đàm phán như vậy khó có thể mang lại kết quả.
Các vấn đề then chốt vẫn chưa được giải quyết bao gồm việc Tehran từ chối vận chuyển toàn bộ kho dự trữ uranium làm giàu cao ra nước ngoài – nguyên liệu có thể chế tạo bom hạt nhân. Iran cũng không muốn thảo luận về chương trình hỏa tiễn đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân tầm xa.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thừa nhận Washington đang nỗ lực đạt được thỏa thuận cho phép Iran có chương trình năng lượng hạt nhân dân sự nhưng không làm giàu uranium, đồng thời thừa nhận “điều này sẽ không dễ dàng.”
Iran tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một số hạn chế về làm giàu uranium, nhưng cần bảo đảm chắc chắn rằng Washington sẽ không phá bỏ thỏa thuận hạt nhân trong tương lai như đã từng xảy ra.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Chiến lược Israel và người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại Mossad cũng có mặt tại Rome để đàm phán với phái đoàn Mỹ. Israel coi chương trình hạt nhân Iran là mối đe dọa hiện hữu và tuyên bố sẽ không bao giờ để chế độ giáo sĩ có được vũ khí hạt nhân.